Lễ hội truyền thống Lễ hội truyền thống

GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

ĐÌNH KIM NGÂN VÀ LỄ HỘI NGHỀ KIM HOÀN
(42 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm Hà Nội)

Đình Kim Ngân ở 42 phố Hàng Bạc quận Hoàn Kiếm, là một trong những đình cổ của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
Phố Hàng Bạc trước đây có ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén và đổi tiền của người dân làng Châu Khê (Hải Dương), nghề kim hoàn của người dân làng Định Công (Hà Nội) và Đồng Xâm (Thái Bình). 
Vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê là Thượng thư bộ Lại được triều đình trao trọng trách lập xưởng đúc bạc nén tại Kinh thành. Bạc nén khi ấy là một loại tiền tệ lưu hành trên thị trường. Ông về Châu Khê đưa người làng lên phường Đông Các lập xưởng đúc bạc. Người Châu Khê lên Thăng Long làm nghề đúc bạc ngày càng đông, từ nghề đúc bạn nén, tiến tới nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc, xưa gọi là nghề kim hoàn. Dân làng Châu Khê đã dựng ngôi đình Trương Thị (đình Thượng) ở 50 Hàng Bạc và sau đó là đình Kim Ngân (đình Hạ) ở 42 Hàng Bạc. Thợ Châu Khê đúc bạc nén cho nhà nước ở Tràng Đúc (nay là số nhà 58 Hàng Bạc). Họ nhận nguyên liệu và giao bạc nén cho người đại diện của triều đình tại đình Kim Ngân và đình Trương Thị. Theo người làng Châu Khê kể, đình Kim Ngân khi xưa rộng lắm, ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa (thể hiện qua các văn bia còn lưu giữ trong đình), năm 1816 dân làng đã mua thêm đất để mở rộng đình.
Đình Kim Ngân thờ thần Hiên Viên - ông tổ của Bách nghệ. Chính vì vậy, các giá trị đích thực mà di tích đình Kim Ngân còn lưu giữ được đó là các giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và lịch sử tồn tại phát triển của một nghề, làm nên nét đẹp, nét cổ kính của phố Hàng Bạc. Ban đầu ngoài chức năng thờ cúng, đình là nơi trao đổi buôn bán bạc nén. Sau khi việc đúc bạc chuyển vào Huế, đình là nơi đổi tiền cho đến khi người Pháp sang. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đình trở thành nơi hội họp, truyền dạy nghề của các người thợ trong phố. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là nơi tổ chức dạy chữ quốc ngữ, dạy nghiệp vụ y tá và luyện tập quân sự. 
Từ sau ngày giải phóng Thủ đô - năm 1954, với những lý do khác nhau nhiều hộ dân đã đến nương nhờ cửa đình, mỗi gia đình chiếm một chỗ xây tường ngăn tạo thành các căn phòng nhỏ, phía ngoài Bái đường là thư viện phường. Khuôn viên đình bị lấn chiếm, khu vực thờ cúng chỉ còn vài chục mét vuông, đình ngày càng bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Tuy vậy, tại đình Kim Ngân thì bia đá, đồ thờ tự, tượng pháp còn tương đối đầy đủ. Về mặt kiến trúc các kết cấu cũ chưa bị thay đổi, ở đây vẫn còn nhiều họa tiết chạm khắc rất đẹp, độc đáo, tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề cùng với thợ kim hoàn tạo nên mà chưa thấy ở các di tích khác. Chính vì có những giá trị lịch sử và kiến trúc đặc sắc như vậy nên từ tháng 3/2009, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ Hà Nội có sự hợp tác với các chuyên gia Thành phố Toulouse (Pháp) đã triển khai dự án trùng tu, tôn tạo lại đình. Tiến hành giải phóng mặt bằng di chuyển 25 hộ dân, 83 nhân khẩu ra khỏi di tích về nơi ở mới (chung cư 67 Đức Giang - Long Biên, Hà Nội). Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, song nhờ quyết tâm chỉ đạo của Quận ủy – UBND quận, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp các ngành Thành phố, nên việc giải phóng mặt bằng tại đình Kim Ngân đạt tiến độ nhanh chóng, tạo được đồng thuận trong nhân dân.
Đến nay, công trình tu bổ tôn tạo đình Kim Ngân - công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu còn lại của khu phố cổ Hà Nội đã hoàn thành. Đình có quy mô khá lớn so với các công trình khác nằm trong khu Phố cổ Hà Nội (575m2). Công trình có kiến trúc cơ bản gồm: Nghi môn, sân, Tiền tế, Hậu cung, kiến trúc theo kiểu chữ “công”; Đại đình 3 gian, Hậu cung 3 gian được nâng lên trên cao và là Hậu cung kép, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt. Nối giữa Hậu cung và Tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái, mái trên liên kết với Tiền tế, mái dưới tạo không gian hở của hai bên. Tổng giá trị công trình là 37 tỷ đồng, trong có trên 19 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. 
Lễ khánh thành đình Kim Ngân và Ngày hội Nghề kim hoàn đã diễn ra vào ngày 26 tháng 3 năm 2011 nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa và nghề thủ công truyền thống của người Hà Nội. 
Sau khi khánh thành đưa vào hoạt động, hàng năm vào tháng hai âm lịch, tại đình Kim Ngân UBND quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội đều tổ chức Lễ hội Nghề Kim hoàn. Đây là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề, nơi đào tạo trình diễn nghề của khu phố cổ, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá cho du khách về phong tục, tập quán, nét văn hóa tín ngưỡng phong phú, đa dạng. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?